Thép nội trước cảnh “tiến thoái lưỡng nan” | Thep-noi-truoc-canh-“tien-thoai-luong-nan”

Thép nội trước cảnh “tiến thoái lưỡng nan”

Chỉ tận dụng được khoảng 70% công suất nhưng vẫn tồn kho lớn vì nhu cầu trong nước sụt giảm và phải đối mặt với thép nhập khẩu từ Trung Quốc (tăng đến 80% trong 8 tháng đầu năm nay).

         Cửa ra khác là xuất khẩu vốn rất nhỏ hẹp, do khó cạnh tranh về giá, nay lại càng hẹp hơn vì hàng loạt vụ kiện chống bán phá giá… Ngành thép trong nước đang ở “giữa muôn trùng vây”, mà có lẽ cửa ra duy nhất là ở chỗ phải liên kết lại để bảo vệ thị trường trong nước trước sự “xâm lấn” từ hàng hoá của nước láng giềng.
 
         Gần đây nhất, dư luận xôn xao về việc trong vòng một tuần, Thái Lan đã liên tiếp đưa ra ba vụ điều tra chống bán phá giá (AD) đối với sản phẩm tôn, thép các loại nhập từ Việt Nam. Nhiều người đã đặt ra nguy cơ mất thị trường Thái Lan và một số thị trường khác như Indonesia, Malaysia... vì việc bị áp thuế chống bán phá giá, thường là rất cao, sẽ chấm dứt con đường xuất khẩu sang nước đó.
 
         Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng dù sự việc không trầm trọng đến mức mất thị trường, nhưng khó khăn là không thể không tính đến. Theo thống kê của VSA, từ 2010 đến 2014, Việt Nam đã phải đối mặt với 21 vụ tranh tụng thương mại liên quan đến sản phẩm thép, trong đó có 11 vụ kiện chống bán phá giá, 4 vụ kiện chống trợ cấp và 6 vụ kiện về điều tra áp dụng các biện pháp tự vệ.


 
Bị kiện ở nước ngoài nhưng lại để trống sân nhà, thép nội đang trước cảnh vô cùng khó khăn.

Có thể nói, thép là một trong những đối tượng chính của các vụ việc tự vệ thương mại từ các nước. Ông Chu Đức Khải, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VSA cho biết: Từ tháng 6/2011, các sản phẩm thép Việt Nam đã bị khởi kiện 14 lần về chống bán phá giá. Một số nước hay khởi kiện sản phẩm thép của Việt Nam trong khối ASEAN là: Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Số nước còn lại là Mỹ, Canada, Australia, Brazil, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và EU. Các sản phẩm bị kiện gồm: mắc áo, đinh, lưới, ống dẫn dầu, thép cuộn cán nguội, tôn mạ và sơn phủ màu.
 

         Cũng theo ông Khải, khi sản phẩm xuất khẩu vào một nước nào đó bị áp thuế chống bán phá giá là coi như cánh cửa xuất khẩu sản phẩm sang nước đó đã bị khép lại, bởi mức thuế áp là rất cao.
 
         Có thể kể đến Indonesia áp thuế sau lần rà soát giữa kỳ đối với thép cuộn cán nguội CRC của doanh nghiệp Việt Nam là từ 12,3% - 27,8%; hay sản phẩm tôn lạnh có khổ rộng trên 600mm nhập khẩu từ các nước (trong đó có Việt Nam) bị áp mức thuế năm 2014 là 430USD/tấn, tương đương 50% giá xuất khẩu; năm 2015 là 371 USD/tấn, bằng 46% giá xuất khẩu… đã triệt tiêu khả năng cạnh tranh của sản phẩm tôn lạnh Việt Nam tại thị trường này. Đó là chưa kể đến chi phí tốn kém cho các vụ kiện, phải thuê luật sư; đi lại tham vấn với nước khởi kiện…
 
         Thị trường xuất khẩu đã hết sức khó khăn, thì ngược lại, ngay tại thị trường trong nước, thép Việt Nam cũng đang phải đối mặt với sức ép khổng lồ từ thép Trung Quốc. Nếu năm 2014, tổng lượng tôn nhập khẩu từ Trung Quốc xấp xỉ 774.000 tấn, thì 8 tháng đầu năm nay, lượng nhập đã tăng đến 80% và dự kiến sẽ còn tăng. Đặc biệt, giá tôn mạ màu nhập khẩu từ Trung Quốc sau khi trừ các chi phí chỉ vào khoảng 14,7 triệu đồng/tấn, rẻ hơn giá tôn sản xuất trong nước 3,3 - 5,3 triệu đồng/tấn, thấp hơn cả giá thành sản xuất trong nước.
 

         Theo một nghiên cứu mới đây nhất của VSA, năng lực sản xuất thép của Trung Quốc là đứng đầu thế giới, với sản lượng 822 triệu tấn/năm, gấp 8 lần nước đứng thứ 2 là Nhật Bản. Năm nay, dự kiến Trung Quốc sẽ dư thừa khoảng 300 triệu tấn, và đương nhiên lượng thép này sẽ tràn sang các thị trường khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam (năng lực sản xuất chỉ khoảng 12 triệu tấn).
 
         Nắm được tình hình này, các thị trường khác đã gia công “xây kè đắp đập” để ngăn thép Trung Quốc tràn sang, tiêu biểu là EU. Khi các hàng rào đã được dựng lên, lượng thép đó sẽ tràn sang các “vùng trũng”, mà tiêu biểu là Việt Nam, vừa gần, vừa chẳng có phương tiện “bảo hộ” nào. Được biết, gần đây, các DN thuộc VSA đã rục rịch khởi kiện tự vệ thương mại đối với thép Trung Quốc, nhưng đến nay, vẫn chưa có diễn biến gì mới.
 
         Theo một số người trong ngành, ngoài những nguyên nhân muôn thuở của chúng ta như thiếu liên kết, kinh nghiệm ít trong các vụ kiện như thế này, thì còn có việc lợi ích của ngay các DN trong Hiệp hội cũng bị xung đột, chồng chéo. DN nhập phôi thép muốn nhập rẻ, nhưng DN làm phôi thì muốn hạn chế, DN sản xuất thép muốn ngăn nhập khẩu, DN phân phối lại muốn nhập nhiều… Vì những lợi ích cục bộ này, sự thiếu liên kết nội bộ ngày càng lỏng lẻo, và sức chống đỡ với nước ngoài ngày càng kém.
 
         Để phá thế “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông” này, ông Chu Đức Khải cho rằng, Việt Nam cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại khi hàng nhập khẩu gây tổn thương, hoặc đe dọa gây tổn thương tới sản xuất nội địa, đặc biệt đối với những sản phẩm cung đã vượt cầu như: thép xây dựng; ống thép, các sản phẩm thép dẹt; tôn mạ, sơn phủ màu. Nếu chúng ta không áp dụng các rào cản kỹ thuật, dòng chảy sản phẩm thép xuất khẩu từ các nước sẽ dễ dàng tràn ngập thị trường Việt Nam, và hậu quả là không chóng thì chày, sản xuất trong nước cũng sẽ dần tuyệt diệt.
 
MB (nguồn: theo Nam Phương, http://cand.com.vn)

CHÚNG TÔI CAM KẾT

  • Uy tín

  • Chất lượng

  • Sáng tạo

  • Tốc độ

Bản quyền thuộc Công ty CỔ PHẦN ECO Việt Nam
Địa chỉ: Lô II.8.1 Khu Công Nghiệp Thuận Thành 3, Phường Thanh Khương, Thị Xã Thuận Thành, Tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam
(84-0222) 3798483            (84-0222) 3 798 484
Email: ecovietnam.sales@gmail.com/ khienvv@ecovn.vn            Website: http://ecovn.vn
Tổng số truy cập: 1597438

Facebook