Thực phẩm lại tăng giá, lo ngại CPI tháng 6 | -Thuc-pham-lai-tang-gia-va-lo-ngai-CPI-thang-6

Thực phẩm lại tăng giá, lo ngại CPI tháng 6

Hơn một tuần trở lại đây, nhiều mặt hàng thực phẩm thiết yếu như thịt gia súc, gia cầm, rau xanh… đã tăng giá trở lại sau một thời gian hạ nhiệt. Thực tế này được dự báo sẽ tác động không nhỏ tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6.


Nhiều mặt hàng tăng giá

Tại các chợ lẻ trên địa bàn TPHCM, giá hàng loạt các mặt hàng thực phẩm đã tăng mạnh trở lại sau một thời gian tạm hạ nhiệt. Đầu tiên là rau xanh. Ví dụ, xà lách búp Đà Lạt vọt từ 25.000 - 30.000 đồng/kg lên 60.000 - 70.000 đồng/kg; cải thìa lên mức gần 30.000 đồng/kg (tăng gần gấp đôi so với trước đó)… Theo các tiểu thương, giá nhiều loại rau tăng mạnh như vậy là do nguồn cung khan hiếm khi trời mưa liên tục, ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch.

Trong khi đó, giá thịt heo sau một thời gian giảm nhẹ đã bật tăng trở lại. Thịt ba rọi rút sườn loại ngon tại chợ Hoàng Hoa Thám, quận Tận Bình, TPHCM dao động ở mức 130.000 - 135.000 đồng/kg (tăng khoảng 15.000 đồng so với thời điểm đầu tháng 6); thịt nạc dăm lên mức 110.000 đồng (tăng 10.000 đồng)…

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh ở ngành hàng này cho hay, giá thu mua heo hơi sau khi giảm về mức 55.000 - 56.000 đồng/kg cách đây 3 - 4 tuần đã tái lập lại mức xấp xỉ 60.000 đồng/kg như thời điểm cuối tháng 4. Nguyên nhân là do heo đang được thu mua để chuyển ra các tỉnh phía Bắc khi giá heo hơi ở khu vực này ở mức 66.000 - 67.000 đồng/kg.

Tương tự, các loại trứng gà, trứng vịt bán tại chợ cũng điều chỉnh tăng. Trứng vịt tại chợ Bà Hoa, quận Tân Bình lên mức 32.000 đồng/vỉ 10 quả; trứng gà ở mức 25.000 đồng/vỉ 10 quả. Bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân cho hay, tăng cao nhất trên thị trường hiện nay là trứng vịt, giá trứng thu mua tăng mỗi ngày thêm 100 - 200 đồng/chục mà cũng không có hàng để mua.

Theo bà Huân, nguồn hàng thiếu hụt như vậy là do thương nhân Trung Quốc đi đường tiểu ngạch sang tận nơi thu mua vịt nên người dân giết vịt đẻ bán. Những thương nhân này còn thu mua trứng để làm trứng muối phục vụ cho mùa sản xuất bánh trung thu sắp tới, tương tự như các các cơ sở, công ty trong nước. Trong khi đó, giá trứng gà cũng tăng thêm 10% so với trước đó vì giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng.

Ông Nguyễn Quốc Chiến, Trưởng ban vật giá, Sở Tài chính TPHCM xác nhận với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng, do giá nguyên liệu đầu vào của mặt hàng trứng vịt tăng 32%, ảnh hưởng đến giá thành trứng (tăng 24%) nên sở này vừa chấp nhận đề nghị của doanh nghiệp tăng giá bán trứng vịt theo chương trình bình ổn thêm 2.500 đồng/10 quả (từ mức 27.000 đồng/vỉ 10 quả lên 29.500 đồng/vỉ), tương ứng 9%.

Còn với mặt hàng trứng gà, thịt gia súc, gia cầm, sở này cũng nhận được đề nghị của doanh nghiệp về việc điều chỉnh giá bán tại các điểm bình ổn nhưng chưa đồng ý do mức biến động đầu vào chưa đủ 15% như điều kiện.

Các doanh nghiệp còn bổ sung thêm, ngoài thịt heo, giá thu mua gà công nghiệp, gà tam hoàng lại tiếp tục tăng trong thời gian vừa qua. Theo đó, giá gà công nghiệp hiện ở mức 41.000 - 42.000 đồng/kg gà lông; gà tam hoàng mức 48.000 - 50.000 đồng/kg gà lông.

Những nguyên nhân đẩy giá gà lên là nguồn cung từ các hộ chăn nuôi, doanh nghiệp trong nước thiếu hụt sau thời gian bỏ chuồng vì giá thức ăn chăn nuôi, lãi suất ngân hàng tăng cao. “Giá bán gà đang được quyết định bởi các công ty lớn, công ty nước ngoài. Mình họ một chợ nên họ đẩy giá gà lên cao”, đại diện một doanh nghiệp không muốn nêu tên nói.

Lo cho CPI tháng 6 và các tháng tiếp theo

Hồi cuối tháng 5, đầu tháng 6, một số cơ quan chức năng đã đưa ra dự báo, CPI tháng 6 sẽ tiếp tục tăng so với tháng 5 nhưng mức tăng sẽ thấp hơn. Nhiều người còn cho rằng, mức tăng có thể dưới 1,2%. Cơ sở của dự báo này là nguồn cung ở nhiều mặt hàng như lương thực, thực phẩm, đường hiện được cải thiện, giá cả ổn định.

Tuy nhiên, diễn biến mới của nhiều loại hàng hóa đang cho thấy, con số dự báo này không dễ thành hiện thực. Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Nguyễn Minh Phong, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội cho rằng, việc giá các mặt hàng thực phẩm tăng trở lại như đang diễn ra về cơ bản sẽ ảnh hưởng lớn đến CPI tháng 6, khi việc lấy giá lần cuối của tháng sẽ được thực hiện vào ngày 15-6.

Theo ông Phong, có 500 mặt hàng để tính CPI nhưng những mặt hàng tăng giá kể trên lại là có quyền số lớn. Ông Phong dự báo, mức tăng của CPI tháng 6 so với tháng 5 sẽ trên 2%, khoảng 2,5%. Chỉ số tăng giá cả năm theo đó sẽ ở mức 17 - 18%.

Diễn biến CPI trong 5 tháng qua. Đồ họa theo số liệu của Tổng cục Thống kê.

HSBC trong báo cáo phát hành vào ngày 7-6 của mình nhận định mức tăng trung bình của chỉ số CPI theo tháng của Việt Nam là trên 2% trong 6 tháng trước, vì thế chỉ cần chỉ số này tăng 0,4% trong tháng 6 thì lạm phát theo năm (year-on-year) vào thời điểm tháng 6 của Việt Nam sẽ vượt 20%. HSBC dự báo CPI theo năm vào tháng 6 sẽ là 20,4%.

Ngay cả khi giá vẫn ổn định ở mức hiện nay, HSBC cho rằng không hy vọng lạm phát theo năm của Việt Nam có thể trở về mức một con số ít nhất là cho tới đầu năm 2012. Thực phẩm, chiếm 40% rổ tính CPI, có vai trò quan trọng quyết định trong việc tính toán lạm phát của Việt Nam. “Sự tăng giá lương thực thế giới vẫn chưa phản ánh đầy đủ vào giá cả của Việt Nam. Và giá thực phẩm có khả năng sẽ sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới”, HSBC nói trong báo cáo.

Trong khi đó, World Bank dự báo rằng lạm phát tính theo năm của Việt Nam sẽ đạt đỉnh vào cuối quí 2 và sau đó giảm dần về mức 15% vào cuối năm nay. Tuy nhiên, có đạt được mức trên không sẽ còn phụ thuộc nhiều vào việc Chính phủ có quyết tâm thực hiện Nghị quyết 11 hay không.

Bản thân các doanh nghiệp cũng cho rằng, áp lực tăng giá ở nhiều mặt hàng vẫn sẽ tiếp tục trong những tháng tới khi những câu chuyện về lãi suất, giá thức ăn chăn nuôi… đang đè nặng lên người nuôi, trồng.

Ở ngành chăn nuôi gia súc, ông Phạm Văn Minh, Giám đốc Công ty TNHH thương mại và chế biến thực phẩm Phú An Sinh (FAS Food) nói rằng, việc tăng giá của thịt heo, thịt gà trong thời điểm vốn được coi là thấp điểm (mùa nóng) này tạo ra những lo lắng về giá trong những tháng tiếp theo. Điều này hoàn toàn có cơ sở bởi người chăn nuôi đang gặp quá nhiều vấn đề để tái đầu tư, gây đàn mới.

Theo ông Minh, đó là không vay được vốn ngân hàng vì các ngân hàng đang hạn chế cho vay nông nghiệp do lo ngại rủi ro; là các yếu tố đầu vào như con giống, thức ăn chăn nuôi… tăng liên tục và chuẩn bị vào mùa dịch bệnh.

Trong khi đó, nguồn hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu như heo, gà cũng không thể giải quyết áp lực giá. Đơn giản vì giá hàng nhập khẩu hiện đang duy trì ở mức cao, cộng thuế nhập khẩu vào sẽ cho giá tương đương hàng trong nước.

Theo Minh Tâm – Thủy Triều

TBKTSG

CHÚNG TÔI CAM KẾT

  • Uy tín

  • Chất lượng

  • Sáng tạo

  • Tốc độ

Bản quyền thuộc Công ty CỔ PHẦN ECO Việt Nam
Địa chỉ: Lô II.8.1 Khu Công Nghiệp Thuận Thành 3, Phường Thanh Khương, Thị Xã Thuận Thành, Tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam
(84-0222) 3798483            (84-0222) 3 798 484
Email: ecovietnam.sales@gmail.com/ khienvv@ecovn.vn            Website: http://ecovn.vn
Tổng số truy cập: 1580728

Facebook